MỘT SỐ TIÊU CHUẨN ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM GIA
HIẾN MÁU NHÂN ĐẠO
Ai có thể tham gia hiến máu?
Tất cả mọi người từ 18 - 55 tuổi đối với nữ, 18 - 60 tuổi đối với nam, thực sự tình nguyện hiến máu của mình để cứu chữa người bệnh.
Cân nặng >45kg đối với cả Nam và Nữ. Lượng máu hiến mỗi lần không quá 9ml/kg cân nặng.
Không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác.
Thời gian giữa 2 lần hiến máu là 3 tháng đối với cả Nam và Nữ.
Ai là người không nên hiến máu?
Người đã nhiễm hoặc đã thực hiện hành vi có nguy cơ nhiễm HIV.
Người đã nhiễm viêm gan B, viêm gan C, và các vius lây qua đường truyền máu.
Người có các bệnh mãn tính: tim mạch, huyết áp, hô hấp, dạ dày…
Máu của tôi sẽ được làm những xét nghiệm gì?
Tất cả những đơn vị máu thu được sẽ được kiểm tra nhóm máu (ABO-Rh), HIV, Virus viêm gan B, Virus viêm gan C, Giang mai, Sốt rét.
Bạn sẽ được thông báo kết quả, được giữ kín và được tư vấn (miễn phí) khi phát hiện ra các bệnh nhiễm trùng nói trên.
Máu gồm những thành phần và chức năng gì?
Máu là một chất lỏng lưu thông trong các mạch máu của cơ thể, gồm nhiều thành phần, mỗi thành phần làm nhiệm vụ khác nhau:
Hồng cầu làm nhiệm vụ chính là vận chuyển oxy;
Bạch cầu làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể;
Tiểu cầu tham gia vào quá trình đông cầm máu.
Huyết tương: gồm nhiều thành phần khác nhau: kháng thể, các yếu tố đông máu, các chất dinh dưỡng...
Tại sao lại có nhiều người cần phải được truyền máu?
Mỗi giờ có hàng trăm người bệnh cần phải được truyền máu vì :
Bị mất máu do chấn thương, tai nạn, thảm hoạ, xuất huyết tiêu hoá ...
Do bị các bệnh gây thiếu máu, chảy máu: ung thư máu, suy tuỷ xương, máu khó đông...
Các phương pháp điều trị hiện đại cần truyền nhiều máu: phẫu thuật tim mạch, ghép tạng...
Nhu cầu máu điều trị ở nước ta hiện nay?
Mỗi năm nước ta cần khoảng 1.700.000 đơn vị máu điều trị.
Máu cần cho điều trị hằng ngày, cho cấp cứu, cho dự phòng các thảm họa, tai nạn cần truyền máu với số lượng lớn.
Hiện tại chúng ta đã đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu máu cho điều trị.
Tại sao khi tham gia hiến máu lại cần phải có giấy CMND?
Mỗi đơn vị máu đều phải có hồ sơ, trong đó có các thông tin về người hiến máu. Theo quy định, đây là một thủ tục cần thiết trong quy trình hiến máu để đảm bảo tính xác thực thông tin về người hiến máu.
CĂN DẶN CỦA THẦY THUỐC VỚI NGƯỜI HIẾN MÁU
Hiến máu theo hướng dẫn của bác sỹ có lợi cho sức khỏe. Để hiến máu an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tham gia hiến máu, xin quý vị và toàn thể nhân dân chú ý một số căn dặn của bác sỹ:
Trước khi và hiến máu phải làm gì?
Đêm hôm trước ngày hiến máu không thức quá khuya, không uống rượu bia, nên ăn nhẹ trước khi hiến máu, không ăn chất có nhiều đường, mỡ trước khi hiến máu.
Mang giấy CMND, hoặc giấy tờ tùy thân khi đi hiến máu.
Nếu phát hiện chảy máu tại chỗ:
Giơ cao tay.
Lấy tay kia ấn nhẹ vào miếng bông hoặc băng dính.
Thay miếng bông và băng dính khác .
Nếu xuất hiện bầm tím tại chỗ:
02 ngày đầu sau hiến máu: Chườm lạnh tại chỗ.
Những ngày sau: Chườm nóng 2 - 4 lần/ ngày.
Ngay sau khi hiến máu Nên:
Chỉ dời điểm hiến máu khi thực sự thoải mái và được sự đồng ý của nhân viên y tế.
Nếu cảm thấy chóng mặt, mệt, buồn nôn: nên nằm nghỉ 10 – 15 phút.
Uống nhiều nước sau khi hiến máu.
Để miếng băng dính sau ít nhất 4-6 giờ mới lấy đi.
Tránh:
Các hoạt động gắng sức, các trò chơi mang tính đối kháng đòi hỏi tốn nhiều thể lực: đá bóng, tập tạ, không leo trèo cao… không thức quá khuya, không uống rượu bia trong 1-2 ngày đầu sau khi hiến máu.
Chế độ ăn,sinh hoạt sau khi hiến máu Nên:
Giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường.
Trong 2-3 ngày đầu sau hiến máu nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường
Tăng cường sử dụng các chất dinh dưỡng bổ máu: thịt, gan, trứng, sữa …
Dùng thêm các thuốc bổ máu nếu có thể.
QUY TRÌNH THAM GIA HIẾN MÁU
Bước 1: Đăng ký tham gia hiến máu (có mẫu kèm theo)
Người hiến máu dành thời gian tìm hiểu thêm thông tin về hiến máu qua tài liệu tại điểm hiến máu hoặc trao đổi với các tuyên truyền viên, nhân viên y tế; xuất trình giấy tờ tùy thân và nhận Phiếu đăng ký hiến máu, sau đó hoàn tất phiếu theo hướng dẫn.
Bước 2: Khám và tư vấn sức khoẻ
Các Bác sỹ sẽ tư vấn để khai thác các tiền sử bệnh lý liên quan tới sức khỏe của quý vị, giải đáp những băn khoăn, lo lắng của quý vị về việc hiến máu nhằm khẳng định rằng quý vị đã có hiểu biết đầy đủ về việc hiến máu và hoàn toàn thoải mái, tự nguyện tham gia hiến máu.
Tiếp theo, bác sỹ sẽ khai thác các yếu tố hành vi nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường truyền máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét cũng như các bệnh có thể lây nhiễm qua đường truyền máu.
Tiếp, các bác sỹ sẽ tiến hành khám sức khỏe cho quý vị để đảm bảo rằng, quý vị hoàn toàn khỏe mạnh, tình nguyện hiến máu và không có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người nhận máu.
Bước 3: Xét nghiệm máu
Quý vị sẽ được làm các xét nghiệm kiểm tra trước hiến máu, bao gồm:
Huyết sắc tố: là thành phần quan trọng của hồng cầu, xét nghiệm này nhằm đảm bảo máu của quý vị đủ chất lượng theo quy định để truyền cho người bệnh. Đạt tiêu chuẩn hiến máu khi lượng huyết sắc tố đạt trên 120gam/lít.
Xét nghiệm virus viêm gan B: bằng kít xét nghiệm nhanh, để đảm bảo những người có vi rút viêm gan B không tham gia hiến máu.
Bước 4: Hiến máu
Mỗi người sẽ dành trung bình 5 phút cho việc hiến máu với lượng máu hiến mỗi lần là 250, 350 hoặc 450ml.
Bước 5: Nghỉ và nhận giấy chứng nhận sau hiến máu
Sau hiến máu, Quý vị sẽ phải nghỉ tại chỗ ít nhất 10 phút, quý vị sẽ được phục vụ ăn nhẹ và được khuyến cáo uống nhiều nước sau khi hiến máu. Quý vị chỉ nên dời điểm hiến máu khi cảm thấy hoàn toản thoải mái.
Các hình thức tổ chức hiến máu
1. Tổ chức hiến máu tại cơ quan đơn vị.
2. Tổ chức hiến máu tại các xe lấy máu chuyên dụng.
3. Tổ chức hiến máu tại các điểm hiến máu cố định.