Người dân thôn 3, xóm Thịnh Cường, xã Đức Long, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) thường nhắc đến mẹ con nhà chị Lê Thị Liên với sự sẻ chia, thông cảm, bởi trong căn nhà lạnh lẽo ấy, chỉ có người mẹ bị bệnh tâm thần và 2 đứa con thơ dại.
Chúng tôi đến nhà chị Liên vào một ngày giá rét. Mới ngoài 30 nhưng trông chị già lắm rồi. Khuôn mặt nhăn nheo, khắc khổ, mái tóc điểm bạc, rối tung như chưa bao giờ được chải. Mang một chiếc áo len đã sờn cũ, rách rưới, chị Liên ngồi co ro cạnh bếp lửa, ai hỏi gì cũng một câu trả lời “hết cả rồi, không có gì ăn nữa”. Dường như, ký ức đói rét của những năm tháng qua đã in sâu vào tiềm thức của chị.
Bếp lửa là nơi nấu nướng kiêm luôn chỗ ngủ của chị khi màn đêm buông xuống
Mọi người chỉ biết chị phát bệnh khi bố mẹ mất, sống lủi thủi một mình không có nghề gì bám víu. Khi đã phát điên chị lại bị những người đàn ông độc ác, vô lương tâm hãm hại sinh ra hai người con: Lê Thị Thu Thanh (SN 1995) và Lê Thị Bình (SN 2005).
Năm 3 tuổi, Thanh được các dì đem về nuôi, hiện đang học lớp 10 A6, Trường THPT Đức Thọ.
Còn Bình, lúc mới sinh do bị bệnh nặng nên có lúc chị Liên đã bóp cổ cho chết nhưng nhờ hàng xóm kịp thời cứu giúp. Cũng từ đó, bệnh tình chị Liên ngày càng nặng hơn.
Từ lúc sinh em Bình đến nay, hai mẹ con chị sống lủi thủi trong căn nhà tranh dột nát nắng tới mặt, mưa tới giường. Mẹ chạy trước, con chạy sau hai mẹ con cứ lang thang đầu đường cuối chợ cả ngày, ai cho gì ăn nấy. Có khi mấy ngày không ăn gì. Không nói chuyện, không giao tiếp, ai hỏi gì đứa nhỏ cũng khóc. Ngôn ngữ của hai mẹ con là hành động, cử chỉ, tiếng ư ử.
Chị Lê Thị Châu, chị gái của chị Liên tâm sự: “Hai mẹ con Liên cứ đi suốt ngày tối về nhà. Không nói chuyện, không giao tiếp với ai nên đứa nhỏ có biết nói đâu. Ai hỏi cũng cũng khóc, ngúc ngắc đầu rồi chạy theo mẹ. Anh em ở xa, hàng xóm ai cũng khó khăn nên không giúp được gì. Năm nay, nhà nước xây cho căn nhà cho người chị về ở với mẹ còn em Bình được gửi ở chùa Bắc Ninh. Nay Bình đã biết nói và mạnh dạn hơn nhiều”.
Cả căn nhà chị Liên chỉ còn cái giường và một ít chăn màn rách cũ
Chị Liên sinh ra trong một gia đình có 5 chị em gái. Các chị đi lấy chồng còn Liên sống với bố mẹ. Thời con gái, chị là một thiếu nữ xinh đẹp, đảm đang. Gia đình chị chung với 4 gia đình khác nuôi một con trâu để làm ruộng theo kiểu nhà này nuôi một thời gian sau chuyển sang nhà khác. Tới mùa thì chia ra làm theo phiên, mỗi nhà lấy trâu làm vài ngày sau tới phiên nhà khác.
Một mình chị Liên làm 6 sào ruộng bằng cả gia đình người ta. Khi cha mẹ mất cũng là lúc người ta lẳng lặng bán trâu mà không nói gì với chị. Chị trở thành người trắng tay, thất nghiệp vì đã mất \"đầu cơ nghiệp\" xem như mất tất cả. Cũng từ đó chị phát bệnh, thường la hét cả đêm, đi lang thang đầu làng, cuối xóm.
Bị bệnh, chị không làm được gì hơn 10 năm nay. Tất cả mọi thứ trong nhà đều đã bán hết để mua gạo. Ngoài căn nhà tình thương mới được xây tặng, chị chẳng có tài sản gì khác. Cả gia đình chị sống nhờ vào anh em, làng xóm và các nhà tài trợ.
Khi chúng tôi hỏi sao chị không làm ruộng nuôi con? Trong tâm thức của một người không làm chủ được mình, chị trả lời: “Không làm được, không có trâu không ai chia ruộng cho”.
Địa chỉ xác minh :
Chị Lê Thị Liên thôn 3, xóm Thịnh Cường, xã Đức Long, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh)