Nghe bà nhắc đến bố mẹ, mấy đứa trẻ mắt đỏ hoe rồi òa khóc nức nở… Bố chúng chết cách đây 4 năm, và mẹ chúng nhập quan vừa đầy tháng…
Chúng tôi tìm về TP. Ninh Bình trong một ngày bão nổi, gió phần phật. Trong căn lều dựng tạm bằng vải bạt hai đứa trẻ, một đứa tên Bùi Minh Anh, 9 tuổi, Bùi Minh Ánh, 7 tuổi, chúng ngồi san sát, co ro để tránh những giọt mưa buốt lạnh. Đứa em út Bùi Minh Bình An, 5 tuổi mới lên được dì đón đi chơi.
Chúng ngồi nem nép nghe bà ngoại kể chuyện và thi thoảng mới dám đưa mắt nhìn chúng tôi. Nhưng khi nghe bà nhắc đến bố mẹ, mấy đứa trẻ mắt đỏ hoe rồi òa khóc nức nở. Bố chúng chết cách đây 4 năm, và mẹ chúng nhập quan vừa đầy tháng…
Hai chị em Minh Anh, Minh Ánh trước căn nhà lợp bằng vải bạt.
Nỗi đau mồ côi
Ba đứa trẻ có hoàn cảnh đáng thương đang sống bằng đồng lương ít ỏi của “bà ngoại kế” Trần Thị Yến, ở phường Ngọc Hà, Phường Nam Bình, TP. Ninh Bình. Đứa lớn nhất mới 9 tuổi, đứa bé nhất vừa lên 5. Ở cái tuổi ấy, nhưng đôi mắt bọn trẻ không còn vô tư lự như những đứa trẻ khác. Chúng một lần khóc cha và vừa mới đây lại trở thành những đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Theo lời bà ngoại, suốt tuổi thơ, bọn trẻ chưa một lần được sống “bình yên”.
Minh Anh, Minh Ánh bật khóc nức nở khi nghe nói về bố mẹ.
Bố mẹ chúng lấy nhau năm 2000. Bố chúng tên Bùi Minh Chiến, sinh năm 1966, quê Lai Châu, không nghề nghiệp. Mẹ chúng tên Lưu Thị Thanh Huyền, sinh năm 1975, quê Ninh Bình, làm công nhân may nhưng khi lấy chồng cũng bỏ việc. Cưới xong, hai người ở lại thuê nhà ở TP. Ninh Bình, vợ buôn hoa quả, chồng ở nhà trông con. Cuộc sống bữa no, chẳng mấy êm ả.
Đứa con thứ 3 tròn một tuổi thì Chiến bỗng “đẻ tật”, chán cảnh thất nghiệp, “ăn bám” vợ, Chiến bỏ về quê. 5 tháng sau trở lại thì thành con nghiện và chết ngay sau đó.
Chồng chết, một nách ba con nhỏ, vài đồng tiền lãi buôn thúng bán mẹt không đủ trang trải cuộc sống, chị Huyền mang con về nhà ngoại xin ở nhờ. Vậy là căn nhà 35m2 trên đầu cầu Lim, Ngọc Hà, Ninh Bình thành nơi trú ngụ của 8 con người cả già lẫn trẻ.
Đến giữa năm 2009 thì căn nhà nằm trong diện giải tỏa. Phần tiền đền bù bà Yến dành xây hai căn nhà nhỏ cho hai con trai. Nhà chưa xây xong, không có tiền thuê, bốn mẹ con chị Huyền dựng lều tạm sống bên bờ sông Vân, ngày ngày cắp mẹt bán hoa quả nuôi 3 đứa con thơ. Tuy nhiên, số phận dường như chưa buông tha người đàn bà bất hạnh, chị mắc bệnh lao phổi.
Sinh ra trong gia đình 6 chị em nhưng người thất nghiệp, kẻ phu xe, mỗi người chỉ gom góp được vài đồng đưa chị Huyền đi viện. Thương con đau ốm, không nhà cửa bà Yến làm đơn xin đất gửi Sở Thương binh Xã hội, tỉnh Ninh Bình.
Thấy hoàn cảnh chị Huyền bệnh tật, vợ góa con côi, Sở Thương binh Xã hội đã đồng ý cấp cho mẹ con chị mượn 100m2 đất. Không có tiền, bà Yến chạy vạy vay mượn đổ móng dựng cho mẹ con chị Huyền căn nhà mái bằng cho có chỗ che mưa che nắng. Nhưng móng chưa khô, chị Huyền đổ bệnh chết. Đến nay vừa tròn tháng 3 đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ.
“Cháu chỉ ước mong có chỗ thờ cha, thờ mẹ”
Ba đứa trẻ giờ sống dựa vào đồng lương hưu ít ỏi của bà Yến. Ngày ngày ba bà cháu ở túp lều trông coi đồ đạc của căn nhà đang xây. Đây là bãi đất mới, chưa có nhà ở, không điện nước nên ngày ngày bà Yến phải kỳ cạch đạp xe 4 km chở từng can 20l nước để ba bà cháu sinh hoạt. Tối lại chở mấy đứa nhỏ về cho chúng thắp hương cho mẹ.
Hai đứa trẻ trước di ảnh mẹ.
Bà gạt nước mắt kể: “Tôi là vợ lẽ và cũng là mẹ kế của con Huyền. Người ta bảo “mấy đời gì ghẻ mà thương con chồng”, nhưng thực lòng tôi thương nó còn hơn con đẻ. Sống nửa đời đi ở trọ, vất vả trăm bề, chết phải nằm trong căn lều dột nát. Giờ ba đứa trẻ tội lắm, tôi còn sống còn cưu mang được, nhưng lúc chết đi rồi không biết phải làm sao”.
Đang nói chuyện dở thì chuông điện thoại đổ liên hồi. Bà nhấc máy nói vài câu rồi quay sang tôi thở dài: “Điện thoại đòi tiền đấy cô ạ. Tiền xi măng, tiền công thợ, tiền đá sỏi… chưa trả được đồng nào. Giờ chưa cất nóc xong mà ngày nào cũng có dăm bảy cuộc điện thoại đòi nợ”.
Bà bảo, giờ mình cũng đã xấp xỉ tuổi “cổ lai hy”, lại mang bạo bệnh, chẳng biết sống chết lúc nào, chỉ muốn cố gắng vay mượn xây cho xong căn nhà cho ba đứa trẻ có chỗ che mưa che nắng.
Bà đếm ngón tay nhẩm tính, sắp vào năm học mới bọn trẻ vẫn chưa đủ sách giáo khoa, chiếc cặp sách con Ánh 4 năm rồi chưa thay mới, dép hai đứa đều đứt quai cả, lại lo mua đông đến nơi rồi 2 đứa lớn mấy năm nay vẫn chung 4 cái áo vừa áo len, vừa áo khoác… “Cái gì cũng phải lo! Chúng vừa xin tiền mua mũ ngày tựu trường mà tôi vẫn chưa có tiền….”, bà lại thở dài, mắt ngân ngấn.
\"Cháu chỉ mơ ước có nơi thờ cha thờ mẹ\".
Cô bé Minh Anh chen vào: “Cháu không cần áo mới, không cần dép mới, không cần cặp sách mới, cháu chỉ muốn có nơi thờ cha thờ mẹ thôi”. Nói rồi em lại nấc lên nghẹn ngào.
HĐH QNĐN TẠI CHLB ĐỨC
Website:
www.quangda.de