Tình cờ MAC đọc được bài viết về gia cảnh cơ cực bần hàn của hai Anh em từ trang web zingvn. MAC biết là dd nhắc nhỡ tv nên giớI thiệu hoàn cảnh trong cuộc sống Chung quanh nhưng MAC không thể cầm được nước mắt Và không thể quên hình ảnh 2 cụ. Không thể tin đựợc còn những ngườI sống trong cảnh bần cùng trong thế kỉ 21 hiện đại bây giờ mà còn những mảnh đời như thế. MAC Thấy mình thật may mắn Được sống trong Cuộc sống đày tiện nghi trên đất Mỹ.
MAC mong dd NTCM có thể chia sẽ và quan tâm tới hai cụ trong tuổI già.
DướI đây là bài viết về hai cụ:
Cơ cực cảnh người anh 80 tuổi đi bổ củi nuôi em
Ngôi nhà ấy nằm hướng mặt ra ruộng lúa, gió ùa thốc tháo từng cơn, chiếc đèn dầu leo lét phấp phới theo gió, trên chiếc sập giường làm bằng xi măng, hai anh em co ro trong manh chăn rách mỗi khi đêm về.
Phận nghèo nổi trôi
Có lẽ tài sản giá trị nhất của ông Lê Phồn (80 tuổi) và ông Lê Bé (60 tuổi), ngụ thôn Hòa Thái, xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) chính là căn nhà tình nghĩa được chính quyền địa phương sở tại làm cho để hai thân già có chỗ che mưa che nắng.
Với hai anh em ông Phồn, như thế đã là quá may mắn, bởi mỗi khi nhớ lại câu chuyện cách đây hơn chục năm, hai anh em cứ mím chặt môi nhìn nhau như ứa nước mắt.
Hơn 10 năm trước, hai anh em luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa bão ập đến, và điều lo sợ nhất ấy cũng đã xảy ra. Trận lụt năm đó hoành hành dữ dội, khi nhà nhà lo chạy bão, tìm chỗ ẩn nấp thì riêng nhà anh em ông Lê Phồn, mái nhà tranh tre vách nứa bị gió quật tơi tả. Lúc đó không còn biết chạy đâu nên thấy thùng phi trước nhà, hai anh em phân chia mỗi người chui một đầu vào.
Hai anh em ông Lê Phồn và Lê Bé
Bên ngoài gió rít từng cơn, mưa trút như nước, hai anh em đầu chạm nhau, chân thả ra ngoài biển nước nằm đợi chờ hồi hộp. Nằm co ro trong giá rét, ngủ lúc nào không biết, đến khi tỉnh dậy, hai anh em thấy trời vẫn mưa tầm tã nên ông Bé hỏi anh: “Bên đó trời sáng chưa anh?”. Người anh cũng hỏi lại: “Anh không biết nữa, còn bên em thế nào?”. Đó là đoạn đối thoại đau lòng mà sau này người dân xã Đức Lạc vẫn hay kể về trường hợp bi thương của họ.
Sau đó, chính quyền địa phương vận động và giúp xây cho hai anh em được căn nhà rộng chừng 5m2 kiên cố. Từ khi có nhà mới, cuộc sống của hai người đỡ lo sợ hơn, nhưng nỗi lo về cơm áo lại chợt ùa về bủa vây.
Hàng ngày ông Phồn chống gậy đi bổ củi kiếm tiền nuôi em
Trong ngôi nhà này, ông Phồn dù đã ngoài 80 tuổi, dáng người gầy quắt như ống điếu nhưng hàng ngày vẫn vác búa đến từng nhà hàng xóm bổ củi thuê kiếm tiền mua gạo nuôi em. Ngày có nhiều việc thì được 20-30 ngàn đồng, ngày mưa gió thì hai anh em ngồi ở nhà nhịn đói.
Ông Phồn bảo, cuộc sống bữa đói, bữa no, khi không có việc hàng xóm thương tình thì người cho bát gạo, người giúp củ khoai, cứ ăn no bụng là được. Dù sao với tầm tuổi này rồi, ăn cũng chả được bao, miễn có cái lót dạ.
Riêng ông Bé thì ở nhà làm mỗi nhiệm vụ nấu ăn. Căn bệnh lúc nhớ lúc quên khiến ông không còn đủ minh mẫn để đi kiếm tiền như anh. Ngay tết vừa rồi, nhà nhà vui vầy trong mâm cao cỗ đầy, riêng hai anh em thì không, chỉ có ít gạo hỗ trợ, ít thịt lợn hàng xóm biếu đón Xuân.
Lay lắt tuổi già trước gió
Quan sát trong căn nhà, tài sản không có gì đáng giá ngoài chiếc đèn dầu và đống chăn bốc mùi ẩm lâu ngày không được giặt giũ. Cạnh bên chiếc giường được chính quyền xây bằng xi măng là chiếc bếp, nơi hàng ngày anh em ông vẫn tập trung nấu nướng.
Ông Bé nói một cách mơ hồ: “Rứa là may mắn lắm rồi chú. Đợt trước ở nhà tranh, mưa dột không nấu ăn được hai anh em phải ăn khoai lang sống để cầm cự, may mà chính quyền cho cái nhà”.
Mấy năm trở lại đây, ông Bé sinh chứng bệnh khiến cuộc sống của hai anh em gặp nhiều khó khăn hơn
Lật ngược thời gian, nhiều hàng xóm sống xung quanh cho biết, ông Lê Bé từng là sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải những năm 1969. Tuy nhiên, trong một trận oanh tạc của Mỹ, bom trút xuống trúng ngay ngôi nhà khiến bố mẹ ông chết tại chỗ, 4 anh em ông may mắn sống thoát.
Ông Bé sau đó bỏ học và chuyển đi làm công nhân được một năm. Ở nhà cám cảnh anh trai Lê Phồn bị sức ép của bom nằm một chỗ, không có ai chăm sóc, các em còn nhỏ nên ông bỏ việc và về nhà dựng tạm túp lều trên nền đất cũ, tình nguyện chăm sóc anh trai.
2 em gái lớn theo chồng cũng chung kiếp nghèo, riêng ông Bé vẫn ở vậy với anh cho đỡ lạnh lẽo. 42 năm trôi qua, hai anh em trai vẫn lầm lũi đơn bóng lẻ loi đi về. Đôi lần người anh giục em lấy vợ cho có người chăm sóc, nhưng nghĩ cảnh anh sẽ sống một mình nên ông Bé lại thôi. Đợt này, ông lại sinh chứng bệnh nửa nhớ nửa quên, càng khiến cho cuộc sống đói nghèo luôn đeo đẳng hai số phận bất hạnh này.
Cuộc sống lay lắt của hai anh em kéo dài từ ngày này sang ngày khác
Ông Hoàng Xuân Phú- Chủ tịch Mặt trận xã Đức Lạc bảo, chính quyền vẫn luôn quan tâm hai anh em ông Lê Phồn, thăm hỏi và động viên mỗi dịp lễ tết, nhưng cái khó là địa phương là xã thuần nông, cuộc sống còn gặp muôn vàn khó khăn, nên cũng không đủ điều kiện để giúp đỡ họ đầy đủ.
Ngoài trời mưa tầm tã, nước quất ngang mặt, hai anh em ông Phồn đứng tựa vào cột tiễn khách, tấm áo mỏng manh bay tả tơi trong gió….
GIANG UYÊN
Theo Bưu Điện Việt Nam
www.zing.vn/news/tu-thien/co-cuc-canh-ng...nuoi-em/a118855.html