vnexpress.net/GL/Doi-song/2010/12/3BA24576/
Xót xa trước cảnh đứa bé đỏ hỏn gào khóc bên xác mẹ mà không ai đón nhận, chị Hường bèn ẵm về nuôi. Thế nhưng, em bé lại bị bại não, khiến cuộc đời nhiều nước mắt của chị càng thêm nặng gánh.
Giữa cái lạnh cắt da trong đợt rét đậm đầu tiên ở Hà Nội, một người phụ nữ có gương mặt khắc khổ nhưng vẫn toát lên vẻ hiền hậu một tay khệ nệ xách đồ, tay kia đẩy chiếc xe có đứa trẻ ngật ngưỡng bên trong. Em bé không thể ngồi vững, hết lệch bên nọ lại vẹo bên kia, gương mặt ngờ nghệch nhưng đôi mắt thỉnh thoảng lóe lên những ánh nhìn tinh anh. Cổ áo em được nhét đầy giấy. Giải thích điều này, người mẹ nói \"Cháu bị bệnh bại não, liên tục nhỏ giãi, khăn quấn hết cái nọ đến cái kia đều ướt hết rồi\".
Người mẹ 54 tuổi tên là Nguyễn Thị Hường, (xã Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, cháu bé tên Trần Thị Phúc Liên, không phải do chị dứt ruột đẻ ra, nhưng chị thương cháu như một phần máu thịt của mình. Cuộc gặp gỡ giữa hai mẹ con chị cũng như định mệnh.
Bị giãn não thất bên phải, bé Phúc Liên không thể đứng vững hay đi lại được. Vì thế, chị Hường dành số tiền được Hội bảo trợ trẻ tàn tật Nghệ An trao tặng mua cho con chiếc xe đẩy. Ảnh: MT.
Năm 2006, chị vào Bệnh viện tỉnh Nghệ An để chữa u mặt. Cùng thời điểm ấy, chị biết mẹ của bé Phúc Liên. Đó là một người đàn bà 39 tuổi, người huyện Diễn Châu, Nghệ An, không lấy chồng, có con với một ông già góa vợ đã hơn 70 tuổi. Ca sinh khó, khi mổ lấy được con ra thì người mẹ cũng vừa tắt thở. Ngày ấy, những người thân của người phụ nữ này không ai muốn đưa bé gái mới chào đời về nuôi.
\"Tội lắm, bệnh viện thì bảo có người nhận cháu bé họ mới cho đưa xác mẹ về, còn anh chị em của chị ấy (mẹ ruột bé Liên) thì nhất quyết không đón cháu, thế là con nhỏ cứ nằm gào khóc bên xác mẹ. Rất nhiều người tới xem, nhưng không ai muốn đón đứa trẻ về nuôi. Khi ấy, tôi thấy tội quá, nên xin được chăm sóc cháu\", chị Hường kể lại hoàn cảnh nhận con.
Thời điểm đó, chị đã có một cậu con trai đang làm việc trong quân ngũ, và nuôi một mẹ già hơn 80 tuổi nằm liệt giường. \"Cũng nhiều người bảo tôi dở hơi, chưa đủ khổ, đủ đói hay sao mà còn ôm mệt vào người\", chị tâm sự.
Từ nhỏ, chị Hường đã có cuộc sống không may mắn. Một tai biến khiến mẹ chị bị liệt, làm cuộc sống gia đình vốn đã nghèo khó càng quẫn bách. Người cha không chịu nổi cảnh sống này đã bỏ mẹ con chị đi. Từ đó, chị phải làm thuê làm mướn, mò cua bắt ốc nuôi mẹ. Khi trưởng thành, gặp một người thương mình, chấp nhận ở rể, chị đã tưởng hạnh phúc mỉm cười với mình, thế nhưng, chỉ chung sống một thời gian, người chồng lại bỏ đi khi chị mới sinh con.
Cứ thế, suốt mấy chục năm, người phụ nữ này hầu như không có phút nào được sống cho riêng mình, lúc nào cũng tất tả làm lụng, chăm mẹ, lo cho con.
Chị Nguyễn Thị Hường và bé Phúc Liên tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: MT.
Theo lời chị, cái tên Phúc Liên của cô bé mồ côi là tên hai bạn thân của chị - hai người sống rất tình cảm, nhân hậu. Chị đặt tên con như vậy với hy vọng cháu sẽ có được nhân cách cao đẹp và cuộc sống hạnh phúc về sau. Khi mới sinh, cô bé Phúc Liên khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, rất tinh nhanh. 7 tháng bé đã biết bò, trườn. Nhưng khi con 9 tháng, chị thấy bé chỉ biết nằm, tay lúc nào cũng nắm chặt, nếu mẹ cố xòa ra thì co quắp.
Biết có điều gì bất thường, chị đưa con đi khám tại Bệnh viện tỉnh Nghệ An thì được biết cháu bị bệnh về não. Tiếp tục đưa con ra Bệnh viện Nhi trung ương, chị cũng nhận được kết quả tương tự và lời khuyên đưa con về chăm sóc, khi cháu 4 tuổi thì khám lại.
Một bên là mẹ già nằm liệt, một bên là con nhỏ bệnh tật, chị hầu như luôn phải tranh thủ làm mọi việc vào ban đêm. Một mình làm 5 sào ruộng để có đủ gạo nuôi mẹ, và con. Có những khi đi làm đồng, chị phải thuê người giữ con giúp. Cũng may, chị được sự hỗ trợ của bà con hàng xóm, hội bảo trợ trẻ tàn tật Nghệ An, cũng như bệnh viện tỉnh - nơi cháu chào đời.
Chị cho biết, nhiều người khuyên chị nên đưa bé Phúc Liên vào trại trẻ mồ côi cho \"nhẹ nợ\" nhưng chị không thể làm vậy.
\"Tôi cũng từng đến những nơi đó rồi, những trẻ lành lặn thì còn tạm được, chứ các cháu bệnh tật thì khổ lắm. Lúc nào sắp chết tôi sẽ tìm một nơi đáng tin để gửi gắm con\", chị Hường nói.
Bé Phúc Liên đã gần 5 tuổi nhưng chỉ nặng 9 kg. Theo lời chị Hường, cháu rất khó ăn, hay ốm. Dù không được tinh nhanh như những trẻ khác, nhưng Phúc Liên cũng rất hiểu biết và tình cảm. Cháu có thể gọi mẹ và hiểu những điều mẹ nói cũng như biết yêu, biết ghét rất rõ ràng. \"Những ai đến nhà mà động viên tui, nói tui cố gắng lo cho con thì bé thường rất mến và thích chơi cùng, còn những người bảo tui cho con vào trại mồ côi, sẽ bị bé nhìn chằm chằm và tỏ ra cáu kỉnh\", chị kể.
Giữa năm nay, theo lời hẹn, chị đưa con ra làm phẫu thuật chữa não nhưng bác sĩ cho biết cháu Phúc Liên quá yếu, cần bồi dưỡng thêm mới có đủ sức trải qua cuộc phẫu thuật.
Đầu tháng 12, một lần nữa mẹ con chị lại tay xách nách mang từ Nghệ An ra viện nhi. Sau các kết quả xét nghiệm, chị được bác sĩ yêu cầu điều trị ngoại trú. Túng bấn, không dám bỏ ra 50-80.000 đồng cho mỗi đêm ở trọ, hai mẹ con chị phải nằm ngủ lăn lóc trên vỉa hè, đợi sáng ra vào viện. Tuần trước, thương con bị lạnh, muỗi đốt, chị xông thẳng vào phòng lãnh đạo bệnh viện trình bày hoàn cảnh thì được họ sắp xếp cho vào viện để được điều trị nội trú, chuẩn bị mổ.
\"Bác sĩ nói dù có phẫu thuật thì cháu cũng không thể khỏi hẳn. Tôi biết thế và cũng không dám mơ điều gì to tát, chỉ mong con có thể tự xúc ăn, tự mặc quần, để tôi có nhắm mắt cũng yên lòng\", chị Hường chia sẻ.
Muốn giúp đỡ cháu Phúc Liên chữa bệnh, độc giả có thể liên hệ trực tiếp với chị Nguyễn Thị Hường tại địa chỉ: Xóm 12, xã Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An hoặc phòng 2, khoa thần kinh A13, Bệnh viện Nhi trung ương: 18/879 La Thành Đống Đa Hà Nội.
Mong các bác NTCM ở Nghệ An giúp cuong.nguyen xác minh ah...