Thuyền nan mong manh và 8 phận người đánh đu với sông nước
Trong gia đình có 8 nhân khẩu ấy, có tới 3 người bị mù. Mọi khoản tiền ăn uống, thuốc men, học hành đều từ đôi bàn tay tảo tần của người phụ nữ lam lũ.
8 con người trên một chiếc thuyền nan mỏng manh.
Đó là hoàn cảnh gia đình chị Thái Thị Lành ở xóm Tân Kiều, phường Hồng Sơn, TP.Vinh (Nghệ An).
Nằm khuất sau “xóm tre nứa” của thành phố Vinh, gia đình chị Lành sống chen chúc trên một con thuyền nhỏ. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Thuận (48 tuổi) tuy khỏe mạnh nhưng hai mắt từ lâu đã mờ dần và bây giờ thì không còn nhìn thấy gì. Bệnh của anh vốn là căn bệnh di truyền. Mẹ anh - bà Hoàng Thị Kiều năm nay 92 tuổi cũng đã bị mù suốt 50 năm qua. Thêm nữa, đứa con gái thứ 2 của anh chị cũng đang có những dấu hiệu bệnh giống cha, 2 mắt em đã mờ đi không còn thấy rõ.
Trong gia đình đông nhân khẩu nhưng bất hạnh ấy, gánh nặng mưu sinh đặt cả lên vai người phụ nữ thấp nhỏ. Chị cố nai lưng làm đủ mọi việc để kiếm tiền nuôi mẹ già, nuôi chồng và 5 đứa con. Sáng, chị Lành phải thức dậy từ 4 giờ, tất tả đi buôn mấy mớ tôm mớ cá về bán nơi vỉa hè chợ Vinh. “Hôm nào may mắn bán được hết thì còn kiếm được vài chục ngàn. Nhiều bữa ngồi mỏi lưng không bán được phải mang về, cha con có cá ăn nhưng lại không có tiền mua gạo”, chị Lành vẻ mặt ủ dột tâm sự về phận đời của mình.
Bất kể trời mưa gió hay giá rét, bao năm qua, sáng nào chị cũng dậy sớm cuốc bộ lên phường Cửa Nam buôn mớ cá về ngồi bán lại. Buổi chiều, chị lại lặn lội đi xin rửa chén bát tại các nhà hàng. “Làm mỗi ca từ 1 - 5 giờ người ta trả cho 30 ngàn. Hai bữa ni tay tui bong gân đau nhức không đi được phải để con gái đi làm thay”- chị Lành nói. Vừa lo kiếm gạo kiếm thóc nuôi cả nhà, chị Lành còn phải vất vả với 3 đứa con đang đi học. Cũng may, mấy đứa con chị đều rất ngoan. Cháu nhỏ áp út Nguyễn Quốc Trung học lớp 3 cũng đã được bằng khen Học sinh giỏi. Biết con ngoan hiếu học nhưng chị Lành không khỏi bùi ngùi lo lắng: “Nhà nghèo đói quá lại đông con, không biết đủ sức nuôi chúng học đến lớp mấy nữa. Chỉ sợ đời chúng lại sống với kiếp nghèo trôi nổi trên sông như bố mẹ mà thôi. Nhiều lúc túng quẫn quá muốn cho con nghỉ học, nhưng mỗi tối lại thấy chị em ríu rít với con chữ mà thương!”.
Chị Lành như thân cò vất vả và lam lũ nuôi cả gia đình.
Theo anh Thuận, gia đình anh trước đây vốn “cắm dùi” ở xóm Vạn Chài trên Hồng Long (Nam Đàn). Qua mỗi mùa, con cá con tôm đánh bắt được ngày càng ít đi mà nhân khẩu lại đông nên anh chị phải trôi dạt về đây, với hy vọng có thể kiếm thêm những công việc khác để làm. Cụ Kiều mấy bữa nay đang phải uống thuốc, đôi mắt mù lem nhem nói run run: “Trước đây nhà tui cũng có đất có nhà ở Vinh, nhưng rồi sau chiến tranh vào Nam trở về nhà cửa không còn mà bìa đỏ để lâu bị hỏng nên mấy lần trình chính quyền mà chưa được giải quyết”. Vừa nói cụ vừa lần mò trong cuốn vở kê dưới gối lấy ra tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã nhàu nát và mờ hết chữ cho chúng tôi xem.
Có lẽ niềm hạnh phúc nhất mà cụ nhận là có được đứa con dâu siêng năng hiếu thảo và hết mực tảo tần. Những đồng tiền đong gạo, tiền thuốc cho cụ, cho con trai, tiền học cho mấy đứa cháu đều là từ đôi tay lam lũ của chị Lành mà có.
“Cầu trời cho nó luôn được khoẻ mạnh, không thì cả gia đình chúng tôi chết đói!”- cụ Kiều thều thào với khoé mắt lem nhem khép kín của người đã nửa thế kỷ không được nhìn thấy ánh sáng.
Nguồn: Dân Trí Link
dantri.com.vn/c167/s167-461810/thuyen-na...du-voi-song-nuoc.htm
Chị Thái Thị Lành. ở xóm Tân Kiều, Phường Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An.
mong anh em trên DĐ NTCM ở Nghệ An phát tâm xác minh giùm cuong.nguyen nhé