Chào cả nhà,
Vô tình đọc và biết được hoàn cảnh này, nhờ các bạn Nhom XM Miền trung xác minh xem trường hợp này đã được ai giúp đỡ gì chưa ? mình muốn giúp cho bé này.
cám ơn các bạn.
Mầm sống trong ngôi nhà có 3 phụ nữ tâm thần
Trong ngôi nhà tồi tàn, nước mưa dột tứ phía, ba người phụ nữ lúc nào cũng ngất ngư như gã say. Còn đứa trẻ duy nhất lủi thủi xoay vòng giữa mớ công việc bất tận: nấu cơm, học bài, đến lớp. Trong ngôi nhà ấy, hạnh phúc dường như rất xa vời.
Ba người phụ nữ đó là ba chị em: Nguyễn Thị Sen (66 tuổi), Nguyễn Thị Vân (56 tuổi) và Nguyễn Thị Thu (53 tuổi) ở thôn 9, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế), bị bệnh tâm thần bẩm sinh.
Mẹ cha qua đời, tài sản lớn nhất họ còn lại là ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ. Trước kia, họ còn đi gánh nước thuê, cắt lúa... ai kêu gì làm nấy. Từ ngày bệnh tình nặng hơn, nước máy về xã, lúa có máy gặt thế là ba chị em trở nên... thất nghiệp. Bà Thu được một nhà hàng ở thị trấn Phú Bài thuê rửa chén bát nhưng cũng được vài hôm rồi nghỉ vì chén bát vỡ nhiều hơn cả số bà rửa được.
Rồi 12 năm trước, hàng xóm phát hiện bà Vân có bầu, không rõ \"tác giả\" là ai. Đứa bé ra đời cũng kháu khỉnh lắm, nhưng có điều người mẹ ngây ngây dại dại chẳng biết nuôi con. \"Bầu sữa\" là nước cơm pha muối của bà con hàng xóm. Họ giúp đặt cho em cái tên: Được (đầy đủ là Nguyễn Quang Được - lấy theo họ mẹ) với hy vọng lớn lên em sẽ có cuộc đời khá hơn mẹ.
Cậu bé Được là \"lao động\" chính trong nhà có 3 người phụ nữ tâm thần, từ việc rửa bát, nấu cơm, lấy củi... đều đến tay em.
Nhiều người cứ nghĩ cậu bé sẽ là nỗi khổ cho cái gia đình ngớ ngẩn này, vậy mà giờ đây Được như một mầm sống còn tươi trong “ngôi nhà chết”.
Em đang học lớp 6c, trường THCS Thủy Phù. Tất cả các khoản đóng góp ở trường Được đều được miễn giảm hoàn toàn, kể cả sách vở, bút... Không ai dạy dỗ bảo ban nhưng Được rất chăm ngoan, học khá. “5 năm học cấp một em đều được giấy khen. Còn năm lớp 6, học kỳ 1 em được xếp loại khá”, Được cho biết.
Chị Trần Thị Thủy, hàng xóm, kể thêm: “Giấy khen cháu Được mang về đều bị người nhà xé hết. Nhiều hôm cháu tủi thân ngồi khóc. Quanh năm cháu đi học chỉ có một bộ đồ, nhiều lúc thấy thương mà chẳng biết làm sao. Bà con trong xóm ai cũng nghèo. Chúng tôi chỉ nhắc nhở cháu cố gắng học, biết nghe lời thầy cô thôi”.
Góc học tập của Được là cái bàn học tập đã gãy mất một chân đặt ở góc nhà. “Hôm đầu năm em không có bàn học, nhà trường biết hoàn cảnh nên cho em một cái bàn, có nơi để sách vở và ngồi học, em vui lắm!”, cậu bé tâm sự.
Ngày trước nhà Được không có điện, em phải học bài bằng đèn dầu. Năm 2010, xã hỗ trợ lắp điện cho gia đình, thế là Được có điện học bài, ba người phụ nữ bất hạnh cũng có ánh sáng để biết đường đi ra đi vào.
Được cố gắng học với hy vọng có thể chữa bệnh cho mẹ và các dì.
Thời gian này, cứ một buổi đến trường, một buổi Được đi lượm củi, xách nước giúp mẹ. Mặc dù vậy, vì còn bé nên em vẫn chưa kiếm ra tiền. Nguồn sống của cả nhà chủ yếu là tiền trợ cấp hàng tháng - 180.000 đồng mỗi người. Nhưng đói cứ đói. Thấy vậy bà con lối xóm người góp lon gạo, người con cá, người mớ rau giúp họ sống qua ngày. Số tiền trợ cấp hàng tháng được anh Nguyễn Dũng sống gần nhà giữ hộ và trích ra cho việc chi tiêu hàng ngày.
Ông Phan Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thủy Phù cho biết: \"Gia đình chị Sen là diện ưu tiên số một của xã. Cháu Được rất ngoan, học giỏi. Địa phương luôn muốn giúp đỡ cho gia đình càng nhiều càng tốt nhưng thực sự kinh phí còn hạn chế nên giúp không được nhiều”.
Mâm cơm chiều được dọn ra là nồi cơm nửa sống nửa chín và một chén mắm ruốc. “Em ước sau này sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo, mẹ và dì trong nhà!”. Lời tâm sự mộc mạc của Được khiến ai cũng phải xót lòng.
Độc giả hảo tâm xin gửi về: Cháu Nguyễn Quang Được, lớp 6C, trường Trung học Cơ sở Thủy Phù, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế), hoặc anh Nguyễn Dũng (người giữ gìn số tiền và gạo, thức ăn của xã trợ cấp để phát cho gia đình cháu Được hàng ngày), xóm 9 xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế). Số điện thoại: 01289419053.
vnexpress.net/gl/doi-song/2011/04/mam-so...o-3-phu-nu-tam-than/
[/size]