Xin chào cả nhà!
Xin giới thiệu bài viết về em Nhị
r2.muctim.com.vn/Vietnam/The-gioi-tuoi-m...lua/2011/10-5/46486/
Bạn trang lứa
Nguyễn Quang Nhị - người “chém gió” ước mơ (MTO 10 - 5/10/2011)
“Tui đượcđề cử làm làm thủ môn đội bóng của lớp đấy nhé!”, “Hôm qua tui ở nhà xem video clip bà nhảy múa quá trời!”
Sau những lời “chém gió”, anh chàng sinh viên khiếm thị sinh năm 1993 liền bị tấn công túi bụi bằng những cái nhéo tai, những tiếng cười giòn tan của đám bạn trong lớp, phá tan tảng băng khổng lồ trong lớp những ngày đầu năm học.
Chém gió ước mơ để hóa giải nỗi buồn
Bạn hay nghe nói về những người khuyết tật luôn khép mình và nhạy cảm với những lời trêu chọc. Nhưng riêng Nguyễn Quang Nhị, sinh viên năm thứ nhất Đại học KHXH&NV TP. HCM thậm chí còn chủ động “chém gió” cái tật của mình khiến bạn bè cười chảy nước mắt.
“Chém gió” cho vui chỉ là bề nổi, nhưng tận trong tâm hồn Nhị, bạn bè đã dần nhận ra đó chính là ước mơ của một người khi chào đời đã chỉ nhìn thấy duy nhất một màu đen. Làm thủ môn đội bóng, được nhảy múa vui chơi, được xem video clip... với mọi người có thể là bình thường nhưng với Nhị tất cả mãi mãi vẫn là ước mơ.
Vẫn biết chỉ là ước mơ thôi, nhưng Nhị không để cho nỗi buồn hay tuyệt vọng tá túc trong con người mình, trái lại bạn đã hóa giải nỗi buồn một cách kỳ diệu qua những pha hài hước tặng bạn bè để từ đó bạn được nhận về những nụ cười vui và tình thân mến.
Những đêm không ngủ được ở ký túc xá, Nhị lại nghĩ đến ba mẹ nơi miền quê Lộc Hà, Hà Tĩnh. Nhị tự nhủ nếu bây giờ có một điều ước, chắc bạn sẽ chọn được nhìn thấy khuôn mặt dịu hiền của mẹ và nét mặt phúc hậu của cha, là hình ảnh bạn chưa bao giờ được nhìn thấy từ khi chào đời nhưng đã in hằn trong tim bạn về hai đấng sinh thành nuôi nấng dưỡng dục bạn cho đến hôm nay.
Con đường còn lắm chông gai
Một chiều Sài Gòn mưa tầm tã, Nhị một mình bắt xe buýt từ ký túc xá ĐH QG TP.HCM ở Thủ Đức để vào Quận 1. Vừa lên xe chưa kịp tìm chỗ ngồi đã bị nhân viên hỏi tiền vé, đang cầm bóp “rờ tiền” thì nhân viên đó nổi quạu. Xuống xe, Nhị vẫn còn 200 mét nữa mới đến Trung tâm nhưng không rành đường sá nên tiếp tục bị xe ôm chém ngọt 50.000đ. Đúng lúc đó cô bạn “bí mật” cùng lớp gọi điện trách sao đi mà “không rủ người ta đi cùng”. Đến mãi sau Nhị mới thú thật do trời mưa thêm nữa nhờ bạn bè mãi cũng ngại.
Cứ buổi nào không phải lên lớp là Nhị về thành phố. Nào là đến Trung tâm giám định y khoa để thủ tục làm giấy chứng nhận thương tật, đến Hội người mù hỏi giấy viết chữ nổi, rồi ghé qua Thư viện sách nói để xin giáo trình sách nói, về trường xin chứng nhận sinh viên. Nhưng không phải cứ đi một lần là được việc. Về giấy chứng nhận thương tật để được trợ cấp 140.000đ/tháng, Nhị phải dừng lại vì một số yêu cầu thủ tục Nhị chưa biết phải làm thế nào.
Nhập học cả tháng nhưng Nhị vẫn phải đi tìm giáo trình khắp nơi. Tôi hỏi về giáo trình của Nhị thì cậu bạn bê ra một hộp băng ghi âm giáo trình, tôi đếm có băng ghi âm cho 4 môn học tất cả. Nhị cho biết đã đến Thư viện sách nói và được tặng nhiêu đó, còn các môn khác Nhị vẫn đang kiếm. Tuy nhiên Nhị cất những băng này vào một góc vì chưa mua được đài. Trước mắt phương pháp học chính của Nhị là nghe bài giảng của thầy cô để chép lại, và nhờ bạn bè đọc. Còn riêng môn Tiếng Anh thì Nhị thú thật đang bế tắc vì “muốn viết từ mới tiếng Anh thì phải nhìn thấy chứ không như tiếng Việt nghe là viết được.”
Anh Thanh Phong, chủ nhiệm mái ấm Thiên Ân nói rằng chiếc máy tính là phương tiện thiết yếu cho người khiếm thị, như để tải tài liệu, nghe giáo trình sách nói, nghe tài liệu bằng văn bản... nếu không sẽ rất khó cho việc học. Nhị đã biết điều đó, cũng đã trang bị kỹ vi tính để chuẩn bị cho đại học, nhưng mỗi tội... “chiếc máy tính giờ vẫn là ước mơ xa vời với mình.”, Nhị tâm sự.
Bạn bè xung phong... “tháp tùng” Nhị
Mẹ đưa Nhị vào nhập học và ở đúng 3 ngày phải quay ra nhà lo việc đồng áng. Mỗi khi đi đâu, làm việc gì, hầu như lần nào cũng có bạn xung phong “tháp tùng” Nhị.
Người bạn bắc cầu nối Nhị với các bạn trong lớp không ai khác là chàng lớp phó hoạt động Thân Văn Hậu. Những buổi học đầu tiên, đến giờ giải lao là Hậu lôi kéo các bạn đến chỗ ngồi của Nhị và bắt chuyện. Mọi người đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác khi thấy Nhị hưởng ứng câu chuyện rất sôi nổi và trở thành người dẫn dắt câu chuyện với bạn bè lúc nào không hay.
Hậu cũng là một trong những thành viên trong lớp quan tâm giúp đỡ Nhị từ những ngày đầu. Hậu nói với MTO về Nhị: “Lần đầu tiên trong đời đặt chân lên đất Sài Thành đối với tân sinh viên xa nhà lành lặn như tụi mình đã khó khăn huống hồ người khiếm thị như Nhị lại ngàn lần khó hơn.” Nhưng Hậu tự nhận thua xa Nhị nhiều thứ: “Nhị rất thông minh trong học tập, khôn khéo trong giao tiếp và khả năng nhớ đường quả là tuyệt vời. Hôm cả hai đi Đồng Nai để tiễn mẹ Nhị về Hà Tĩnh, lúc quay về, cả hai bị lạc đường. Mình đang lúng túng không biết thế nào thì Nhị chỉ đường chính xác khiến mình phải bái phục. “
Ngoài Thân Văn Hậu, cô bạn Vũ Thị Liễu cùng lớp và cùng ký túc xá cũng là một thành viên tích cực “tháp tùng” Nhị. Nhưng vì Liễu cũng trong đội văn nghệ của lớp nên cũng có những hôm không sắp xếp đi cùng Nhị được. Nhìn hình ảnh Nhị được cô bạn khoác tay dẫn lên xuống bậc thang, qua lối rẽ, lên xe buýt... cho đến cầm ly nước đặt vào tay Nhị, gắp thức ăn cho Nhị... hy vọng rằng Nhị sẽ càng tăng thêm sức mạnh và lạc quan để tiếp bước.
Nhắc bạn uống nước kẻo tan đá
Giúp Nhị xuống bậc tam cấp
Dù đang long đong với chuyện trường lớp nhưng Nhị vẫn giành thời gian “lượn” ký túc xá và ngồi ghế đá hóng gió vào những buổi tối. Người cùng sở thích và hộ tống Nhị đi dạo chính là anh chàng cùng phòng Nguyễn Minh Phú. Phú bị mất hai tay, cũng là tân sinh viên (Đại học Công nghệ Thông tin) nên cả hai rất đồng cảm với nhau. Học khác trường, khác lịch học nên hai bạn chủ yếu ở bên nhau buổi tối và cuối tuần.
Phú giúp Nhị trong phòng ký túc
Phú và Nhị trong sân ký túc
Nguyễn Quang Nhị sinh ngày 17/6/1993, nhiều năm liền đạt học sinh khá giỏi của trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, một trong những trường điểm của tỉnh Hà Tĩnh. Nhị bị mất thị lực hoàn toàn từ khi sinh ra. Ba Nhị cũng là người khiếm thị. Nhị là anh cả của 4 anh em, em kế của Nhị là tân sinh viên trường Đại học GTVT Hà Nội, em tiếp theo làm công nhân và em út đang học lớp 11. Công việc đồng áng là nguồn thu giúp bố mẹ nuôi anh em Nhị ăn học.
Nhị tuy lo lắng không biết kết quả học tập bạn đầu sẽ thế nào nhưng cậu bạn vẫn luôn hoà đồng với bạn bèn và luôn nở nụ cười thật tươi và . Trước câu hỏi đặt ra tại Diễn đàn học tốt vừa qua do lớp tổ chức “Bạn muốn làm người như thế nào trong tương lai?”, Nhị nêu suy nghĩ của mình: “Đến với chân trời tri thức với mình là cả một chặng đường đầy khó khăn thử thách phía trước. Ước vọng lớn nhất của mình là có thể đền đáp được công ơn dưỡng dục của cha mẹ và được đem kiến thức mình đã được học để giúp đỡ những người khó khăn và không được lành lặn như mình, để chia sẻ phần nào nỗi đau sự mất mát của họ để họ có thể tự đứng lên bằng nghị lực của họ. Và đây cũng là lý do mình chọn ngành Công tác xã hội để là lối đi tiếp theo của đời mình. Mình không biết có đủ sức lực và trí lực để đi hết con đường mà mình đã lựa chọn hay không nhưng mình tin rằng mình sẽ không bỏ cuộc khi chưa trút hơi thở cuối cùng.”