Có bao giờ bạn cho rằng mình bất hạnh? Tôi tin rằng, nhiều người trong chúng ta đã từng nghĩ thế, nhất là gặp lúc éo le, vận hạn cuộc đời. Nhưng nếu chỉ như vậy, thì nhân vật trong câu chuyện chúng tôi kể sau đây, có lẽ cần đến một tính từ bi thảm hơn gấp trăm nghìn lần “bất hạnh” để mà diễn đạt.
Ngọn nến tàn trước gió
Chị có cái tên thật an lành: Nguyễn Thị An. Chị sống ở một nơi nghe thật đầm ấm: đường Phúc Hậu (KDC số 1, P. Nại Hiên, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng). Và, con gái chị có cái tên thật đẹp: Nguyễn Thị Thu Giang. Nhưng tất cả những mỹ từ tốt lành đẹp đẽ ấy chỉ càng làm nổi bật thêm cuộc sống cùng cực, nỗi đau xé lòng của một người cùng quẫn, một bệnh nhân hiểm nghèo và một người mẹ hoàn toàn bất lực.
Chị An là con của một gia đình ngư dân nghèo ở xóm nhà chồ dọc sông Hàn. Ngày nay, nói đến nhà chồ chắc rằng có đôi người không mường tượng ra, nhưng thuở trước, nó nhan nhản, kéo dài một vệt phía bờ Đông từ cửa sông Hàn lên tận sông Cổ Cò. Người ta cắm mấy cái cọc xuống nước, chằng thêm mấy thanh ngang, lát vài miếng ván, lợp một mái dừa, vậy là thành nhà chồ. Dân nhà chồ “mặc định” với cái nghèo. Chị An thì không những nghèo mà còn rơi vào cảnh éo le. 23 tuổi, mẹ mất, cha đi bước nữa, anh chị em gây dựng gia đình riêng, chị tự tìm đường sống. Cũng chẳng có gì to tát, chị cắm 4 cái cọc xuống sông làm một cái nhà chồ là xong. Ngặt nỗi, người sống trên căn nhà chồ ấy - chị An - vốn mang sẵn chẳng biết bao nhiêu căn bệnh ở trong người. 23 tuổi, đáng lẽ phải bươn chải vươn lên với đời, chị lại quằn quại với những cơn đau của bệnh tim bẩm sinh, hen suyễn, viêm gan... đến tối sầm, thốc tháo, quặn thắt.
Chị An và con gái
Suốt 20 năm qua, những căn bệnh quái ác hành hạ chị ngày lẫn đêm, lúc thức lẫn lúc ngủ, lúc quờ quạng kiếm ăn lẫn khi ngửa mặt than trời. Nay, 43 tuổi, trông chị chẳng còn chút thần sắc nào nữa. Mái tóc lưa thưa bạc trụi. Tay chân rụng rời mệt mỏi. Chị chẳng khá hơn ngọn nến tàn trước gió.
Tưởng chừng cứ lay lắt thế cho xong một phận con người thì một biến cố đến với chị An, mà sau này chẳng biết nên gọi đó là ân huệ hay nỗi đau nữa. Chị An kể: “Đêm đó, tui đang ở trong chòi. Vật vã đau. Bỗng thấy một thằng choai choai loạng quạng mò tới. Nó say rượu. Người hôi nồng nặc...”. Cái thằng say rượu ấy nó chặn cổ chị An xuống sàn rồi giở trò đồi bại. Một mình, yếu ớt, uất nghẹn, tiếng kêu cứu của chị lẫn trong tiếng khóc khản đặc giữa đêm trường.
Con ơi, đừng trách mẹ...
Kết cục của đêm đớn đau ấy là một bé gái ra đời. Chị đặt tên cháu là Nguyễn Thị Thu Giang. Cũng may, vừa lúc ấy, TP Đà Nẵng có chủ trương xóa nhà chồ. Chị An được “lên bờ”, bố trí vào căn hộ liền kề. Rồi thành phố còn hỗ trợ thêm cho chị mỗi tháng 450 nghìn đồng. Vậy là, dù thế nào đi nữa, mẹ con chị cũng có chỗ ở.
Niềm vui cuộc sống mới chưa tròn thì bệnh phát nặng hơn. Cơ thể chị suy sụp hoàn toàn và cái ngày kết thúc kiếp người chẳng rõ sẽ ập đến lúc nào. Đêm đêm, chị không muốn ngủ, sợ rằng giấc ngủ ấy trở nên vĩnh viễn. Nào phải chị tiếc nuối chi cuộc sống tàn tạ của riêng mình. Nhưng còn Thu Giang, đứa con vô tội mà chị thương yêu nhất trên đời sẽ ra sao?
Hơn 4 tuổi, cháu Thu Giang gầy guộc, xác xơ nhưng khuôn mặt và nhất là đôi mắt vẫn trong veo ngơ ngác. Cháu nép mình vào mẹ trong suốt câu chuyện giữa chúng tôi. Lâu lâu, cháu bá cổ chị: “Mẹ ơi! Đừng khóc. Đừng khóc mà...”. Hình như cháu đã quen an ủi chị như vậy rồi.
Có điều gì trên đời thiêng liêng hơn tình mẫu tử? Và, có nỗi đau nào của đời người lớn hơn, khi người mẹ thốt lên lời này: “Em xem, có ai xin con nuôi, chị cho họ cháu Thu Giang đấy”. Chị cố không khóc khi thốt ra lời ấy nhưng nước mắt cứ lăn dài trên má. Chị cố gượng cười với tôi nhưng càng gượng thì khuôn mặt héo úa càng trở nên méo xệch. Chị lúng búng biện hộ: “Em à, chị không biết còn ở trên đời được bao lâu nữa... Em biết đấy... Cháu nó còn nhỏ quá... Họ hàng thì lâu nay chẳng ai ngó ngàng tới nữa... Chị dạm hỏi mấy người rồi nhưng không ai nhận... Họ cũng nghèo khó quá...”. Mỗi lời chị thốt ra mới khó khăn làm sao.
Chị An có một ước mơ trong niềm đau xé ruột. Ấy là cháu Thu Giang sẽ được ai đó nhận nuôi. Lúc ấy, chị sẽ không còn ai bá cổ động viên mỗi khi khóc, không còn lẫm chẫm bước chân và tiếng nói cười trẻ con trong căn nhà hiu quạnh, sẽ chẳng còn dịp ngắm nhìn giấc ngủ non tơ vô tội mỗi đêm trằn trọc... nhưng chị vẫn mãn nguyện, bởi cháu Thu Giang sẽ được ăn no, được đi học, được lớn lên như bao đứa trẻ bình thường. Và, điều cầu khẩn cuối cùng, chị mong cháu sẽ quên chị đi, hay ít ra, không hờn trách người mẹ nghèo cùng quẫn.
Lời kết
Chị Loan, một người hàng xóm của mẹ con chị An nói với chúng tôi: “Hoàn cảnh họ vậy đấy, nhưng tôi cũng chẳng biết làm sao. Tôi cũng nghèo, cùng lắm là cho cháu Thu Giang cái gì ăn khi đói thôi, chứ không có sức lo cho mẹ con chị ấy”. Hàng xóm láng giềng với nhau, một miếng ăn lúc đói, một lời chào hỏi lúc bi thương, cũng đáng quý biết ngần nào. Nhưng phải chăng một tấm lòng xóm giềng thì dù đáng quý đến đâu vẫn bé nhỏ, còn nhiều tấm lòng của cộng đồng thì sẽ lớn lao hơn, biết đâu làm nên điều kỳ diệu. Và, liệu cuộc đời chị An, cháu Thu Giang có thể có được điều kỳ diệu ấy không? Câu trả lời, có lẽ chính là từ mỗi chúng ta, ngay giây phút này, trước khi quá muộn.
(nguồn :
hn.24h.com.vn/tin-da-nang/co-ai-xin-con-...ong-c498a340673.html
)