CHUYỆN CÓ THẬT XUẤT HIỆN Ở Quận 12 Tp.HCM.
Căn bệnh loãng xương quái ác đã tước đi niềm vui đến trường của Thanh Nga và Thanh Ngân và khiến hai thân thể trở nên dị dạng. Xương của hai chị em mong manh đến nỗi, chỉ cầm ly uống nước cũng có thể bị gãy tay.
Sinh ra trong hoàn cảnh thiếu trước hụt sau, đã vậy, Trương Thanh Nga và Trương Thanh Ngân (quận 12, TP HCM) còn bị loãng xương bẩm sinh, căn bệnh đeo bám gia đình bên nội, nhưng biểu hiện ở hai chị em Nga - Ngân trầm trọng nhất. Ai có thể tin, chỉ cần chồm người tới trước mà bị gãy xương đùi? Nhưng với Thanh Nga và Thanh Ngân, đó là sự thật.
[img]
[img]http://nguoitoicuumang.com/images/fbfiles/images/t481638.jpg
Bệnh “xương thủy tinh” khiến chân tay của Nga và Ngân đã cong vẹo hết cả, muốn di chuyển phải dùng mâm.
Thanh Nga năm nay 18 tuổi nhưng suốt 18 năm trời em chỉ có thể ngồi một chỗ. Bản thân em còn không tự chăm sóc được, nói chi đến việc đi học. Thanh Ngân (13 tuổi) may mắn hơn chị một chút, đến khi vào lớp 1 em mới phát bệnh. Từ đó, cô bé đành ở nhà cùng chị gái.
Chú Bình, cha của Thanh Nga và Thanh Ngân cũng do loãng xương nên không thể làm việc nặng. Chú bèn xin làm chân bảo vệ kiêm nhặt bóng tennis và quét dọn tại một hoa viên nhỏ ở quận 9.
Còn cô Tâm suốt ngày phải chăm sóc hai con nên không thể đi làm. Phải giữ gìn sức khỏe cho Nga và Ngân thật tốt, tuyệt đối không để bị cảm vì chỉ một cái hắt hơi cũng đủ làm gãy xương sườn. Nhưng hễ ngơi tay lúc nào là cô Tâm tranh thủ kết hạt cườm để kiếm thêm thu nhập.
Thấy mẹ cặm cụi kết cườm, hai em cũng xin mẹ cho làm thử. Dần dà, Nga và Ngân cũng kết được những chiếc vòng tay, vòng cổ khá xinh xắn nhưng chưa đủ tinh xảo để đem bán. Hai cô bé còn kết cườm thành những chiếc ví đầm. Do miếng lót bên trong là giấy vở học trò nên những chiếc ví này cũng chỉ để hai chị em ngắm nhìn cho vui mắt. Nhưng hai cô bé tin tưởng, sẽ có ngày sản phẩm của mình có người mua.
Kết cườm, vẽ và tô màu là niềm vui nho nhỏ mà Nga và Ngân có được trong chuỗi ngày dài bệnh tật.
Thế là, Nga và Ngân cứ mải miết khi thì kết cườm, khi thì vẽ, tô màu… để quên đi nỗi buồn khổ triền miên của bệnh tật. Thế nhưng, bệnh tật lại không chịu “quên” hai em, vì không được dùng thuốc bổ xương đầy đủ nên xương càng giòn và tiếp tục gãy.
Nhà cửa đã bán hết theo những lần hai chị em ra vào BV Chấn thương và chỉnh hình (Q.5), cả nhà 4 người dọn về ở tạm trong căn nhà trọ dột nát của người cô, hễ mưa là ngập bì bõm. Những lúc đó, sợ Nga và Ngân sinh bệnh do nhà cửa quá ẩm thấp, chị Tâm lại “bưng” hai con lên “tị nạn” ở nhà ông nội. Nói là “bưng” vì chị phải đặt con vào mâm chứ không thể trực tiếp bồng, vì hễ bồng hay xốc nách là xương lại gãy.
Cô Nguyễn Thị Bé Hai – chi hội trưởng Hội chữ thập đỏ phường An Phú Đông, Q.12 cho biết: “Hội rất quan tâm đến hoàn cảnh của Thanh Nga và Thanh Ngân, cũng đã đề xuất một khoản trợ cấp nhỏ cho hai em. Nhưng về lâu dài, cần tạo dựng một tương lai vững chắc hơn. Điều may mắn là đôi tay của hai em có thể lao động được”.
Trước mắt, Nga và Ngân cần học nghề cho bài bản, sau nữa là phải có một gian hàng. Chỗ ở nằm sâu hun hút, đường đi phức tạp như thế, ai mà tìm đến mua. Nhưng đó là ước mơ mà hằng ngày, hai chị em vẫn ngồi kết từng hạt một.
Còn hiện tại, nhà vẫn ngập, vẫn phải tới lui “tị nạn” và xương lại gãy, lại chạy tiền đi bệnh viện, tiền thuốc còn chưa đủ, nói chi đến chuyện nhà cửa, và thế là vẫn tiếp tục ở trong gian nhà ngập… Cái vòng luẩn quẩn bệnh - nghèo - bệnh như cây kéo cắt phăng chuỗi ước mơ xinh giản dị của Nga và Ngân, để lại nỗi buồn trong đôi mắt người mẹ: “Mai này khi cha mẹ nằm xuống rồi, số phận các con sẽ ra sao?”
Đại chỉ liên hệ:
Chị Đỗ Hoài Tâm (mẹ của Trương Thanh Nga và Trương Thanh Ngân: 0814/3D khu phố 3, tổ 46, phường An Phú Đông, quận 12, TP HCM.
Điện thoại nhà ông nội của Nga – Ngân: 08. 6277 014