(Dân trí) - Gia cảnh quá nghèo, Hương vẫn cố gắng học hành thật tốt. Ngày vào giảng đường đại học, cái nghèo vẫn đeo bám... Để có tiền trang trải học tập, Hương đã phải đi phụ hồ rồi không may bị ngã từ tầng 9.
Bà Phượng cũng mang chứng bệnh đau tim hằng ngày phải chăm sóc con.
Trong chuyến công tác tại huyện Yên Thành (Nghệ An) được nghe bà con kể về hoàn cảnh đáng thương tâm của một sinh viên nghèo có số phậm đầy éo le, bất hạnh. Đó là em Trương Thị Hương (SN 1991) ở xóm 9, xã Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An.
Vượt qua những con đường làng gập ghềnh, khúc khủy, chúng tôi tới nhà bà Lê Thị Phượng, mẹ của em Trương Thị Hương. Trước mắt là căn nhà cấp 4 đã xuống cấp đến thê thảm. Trong nhà tài sản không hề có một thứ gì có giá trị, ngoài chiếc ti vi đã cũ ở thập niên 80.
Nhưng có lẽ đau xót nhất vẫn là cảnh cô sinh viên mới ngoài 20 tuổi phải nằm bất động trên giường. Thấy chúng tôi ân cần thăm hỏi, bà Phượng cố gạt đi những giọt nước mắt lăn trên đôi gò má rám sạn vì sương gió, kể lại cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh gia đình và số phận của đứa con gái tội nghiệp.
[img]Trong chuyến công tác tại huyện Yên Thành (Nghệ An) được nghe bà con kể về hoàn cảnh đáng thương tâm của một sinh viên nghèo có số phậm đầy éo le, bất hạnh. Đó là em Trương Thị Hương (SN 1991) ở xóm 9, xã Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An. Vượt qua nhữ
Các đoàn thể trường THCS, Đoàn thanh niên xã Xuân Thành hay tin em Hương bị đau nặng đã đến chia sẻ.
Nguyễn Thị Hương là con út của một gia đình nghèo có 3 anh chị em. Chị gái đầu của Hương bị bệnh thần kinh từ nhỏ, không có khả năng lao động, hiện đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội 202 của địa phương. Bản thân bà Phượng cũng đang bị bệnh tim nặng không có điều kiện để chữa trị. Việc đồng áng và gia đình đều dồn hết vào đôi vai của người anh trai thứ 2 là Trương Công Hùng (23 tuổi).
Song điều đáng nói ở đây là anh chị em của Hương lớn lên không có tình cảm thương yêu, đùm bọc, dạy bảo của người cha. Vì gia cảnh nghèo khó, năm 1998 ông Trương Công Hoan (bố của Hương) đã đi làm ăn ở nơi khác, đến nay vẫn chưa có tin tức gì.
Kể từ ngày đó, một mình bà Phượng mang trên đôi vai gầy của mình nuôi 3 đứa con thơ dại. Gánh nặng việc gia đình, sớm hôm tần tảo với 5 sào ruộng khoán, chắt chiu hạt lúa củ khoai để, nuôi nấng con cái khôn lớn, trưởng thành. Thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình, ngay từ nhỏ Hương là người con hiền lành, chăm ngoan hiếu thảo, có ý thức trong học tập để mai sau giúp đỡ gia đình vượt khổ, khoát nghèo.
Ở bậc Tiểu học em luôn đạt các danh hiệu học sinh học sinh giỏi trường và cấp huyện. Bước vào bậc THCS, 4 năm liên tục em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi tỉnh ở các môn: Văn, Toán và Địa lý. Những năm ở bậc THPT đều đạt học sinh xuất sắc toàn diện, được thầy yêu bạn mến, là tấm gương sáng về thành tích học tập để bạn bè học tập noi theo.
Năm học 2009-2010, Hương đã thi đậu vào một trường Đại học tỉnh Bình Dương - Khoa quản trị kinh doanh. Ngày Hương nhận giấy báo trúng tuyển là niềm tự hào của gia đình, làng xóm và bạn bè vui quá đỗi. Biết hoàn cảnh quá nghèo, gia đình không thể đủ sức để chu cấp trong những năm học đại học, nhưng với quyết tâm cao, Hương đã tự động viên chính mình: “Phải khổ học thành danh” để sau này có điều kiện giúp đỡ người chị gái và mẹ già.
Gia cảnh quá nghèo, sinh viên Hương đã phải đi phụ hồ và nay đã phải nằm một chỗ sau một vụ rơi từ tầng 9 xuống tầng 8.
Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường đại học, ngoài giờ lên lớp, tranh thủ thời gian rãnh rỗi, Hương đi làm gia sư, rửa bát thuê tại các nhà hàng để kiếm thêm những đồng tiền nhỏ giọt phần nào giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Bước sang năm thứ 2, mọi sự chi tiêu trong học tập và sinh hoạt ngày càng nhiều, Hương đã phải đi xin làm phụ hồ mỗi tuần 2 buổi cho một công trình xây dựng ở gần trường.
Nhưng rồi tai họa đã ập đến với Hương. Đó là vào khoảng thời gian giữa tháng 10/2011, trong lúc lao động Hương đã bị ngã từ tầng 9 xuống tầng 8 tại một ngôi nhà cao tầng đang thi công, được mọi người kịp thời đưa đi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa Bình Dương, sau đó chuyển lên bệnh viện tuyến trên Chợ Rẫy (TP HCM) để chẩn đoán và điều trị.
Tại đây, các bác sỹ đã kết luận em bị gãy xương cột sống, phải chữa trị trong một thời gian dài và tốn khá nhiều tiền của, nếu không sẽ bị tàn phế vĩnh viễn, khả năng đi lại được là rất ít.
Trong hoàn cảnh như vậy, gia đình vốn đã nghèo khó, nay lại rơi vào muôn phần túng quẫn, vì thương con, bà Phượng đã phải đi vay mượn anh em, làng xóm, kể cả phải bán lúa non để có tiền cứu chữa cho con, nhưng suốt 1 tháng trời điều trị, vết thương của Hương không hề thuyên giảm mà càng nặng thêm.
Để thuận tiện việc chăm sóc và đi lại của gia đình, sau đó em được chuyển ra bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để tiếp tục điều trị. Nhưng vì không có tiền, trước Tết nguyên đán vừa qua, người anh trai đã phải ngậm ngùi đưa người em gái bất hạnh về quê để chăm sóc.
Gia cảnh quá nghèo của bà Phượng giờ chỉ có thế này.
Còn về phần Hương, từ ngày bị tai nạn đến nay luôn trong tình đau đớn về thể xác và tinh thần, 2 chân không có cảm giác, bị tê liệt nửa người, phải nằm một chỗ, mọi việc sinh hoạt cá nhân đều phải qua tay người mẹ già bệnh tật.
Hôm chúng tôi có mặt tại nhà Hương cùng với các thầy, cô giáo trường THCS Xuân Thành và Ban chấp hành đoàn xã trao số tiền ít ỏi mà tập thể giáo viên, học sinh nhà trường và đoàn viên, thanh niên trong xã vận động quyên góp, nhận số tiền Hương rơm rớm nghẹn ngào: “Giờ thì em vĩnh viễn không bao giờ nghĩ đến chuyện học hành được nữa, chỉ mong sao ngồi dậy và tự đi lại để mẹ đỡ vất vả, em thương mẹ lắm, cả cuộc đời của mẹ đã khổ, nay lại khổ vì con...”.
Ước mơ nhỏ bé của Hương lúc này sao mà cay đắng, phũ phàng đến thế ?!
Bà Lê Thị Phượng, xóm 9, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An
Trích:http://dantri.com.vn/c167/s167-581098/so-phan-nghiet-nga-cua-nu-sinh-vien-sau-tai-nan-nga-tu-tang-9.htm